Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 3

    Hôm nay: 12

    Đã truy cập: 746283

Lịch sử hình thành

Nội dung đang được cập nhật

Xã Xuân Lộc có diện tích tự nhiên 701,78 ha, dân số 5203 người (điều tra dân số tháng 4/2019), trong đó có 2580 nữ, 2593 nam, tuổi từ 16 đến 60 là 2778, tuổi từ 61 trở lên là 1120 người. Xuân Lộc nằm ở vị trí phía Đông Nam Hậu Lộc, phía bắc giáp với Thị trấn Hậu lộc, phía Nam là sông Lạch Trường, bên kia là Huyện Hoằng Hóa, phía Đông giáp với xã Hòa Lộc, phía tây giáp với xã Thuần Lộc.

 Xuân Lộc có tiềm năng khá dồi dào:

Trước hết là đất đai:

Hiện nay, trong tổng diện tích tự nhiên 701,78 ha, trong đó:
Đất ở 51,09 ha
Đất nông nghiệp 466,37 ha    

-    Đất chưa sử dụng 29,79 ha

-    Đất phi nông nghiệp 205,52 ha

Lịch sử biến động đất đai ở Xuân Lộc:  Xuân Lộc có nhiều thay đổi sau:

- Năm 1978 Huyện thành lập xí nghiệp gạch ở đồng Mi Mụ lấy đi của Xuân Lộc 8 ha. Trong những năm đổi mới việc cấp, bán đất cho dân ở cũng làm cho quỹ đất của Xuân lộc, nhất là đất ruộng canh tác ngày càng giảm. Chỉ lấy số liệu từ năm 2000 đến nay: Năm 2000 là 265 ha, 2010 là 264 ha, 2015 là 263 ha      

 Xưa kia đồng đất Xuân Lộc là đồng chiêm trũng, quanh năm ngập nước, chỉ làm được một vụ lúa. Năng suất cây trồng thấp. Trước CM tháng 8/1945 Lúa  chỉ đạt 40- 50 kg/sào/vụ, khoai lang 180-200 kg/sào/vụ, ngô 40-45 kg/sào/vụ. Thời kỳ xây dựng HTX NN kiểu cũ (1960-1990) lúa được  làm hai vụ. Năng suất cây trồng có được nâng lên hơn trước kia, nhưng vẫn rất thấp. Lúa chỉ đạt 70-90 kg/sào (những năm 1960-1980), khoai lang 250-290 kg/sào/vụ, ngô 55-70 kg/sào/vụ.  Đến những năm 1986-1990 năng xuất lúa được nâng lên 120-130 kg/sào/vụ

Từ 1990, do thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về hoàn chỉnh khoán 10 trong nông nghiệp, giao đất lâu dài cho nông dân tự chủ sản xuất, đồng thời do làm tốt công tác thủy lợi, không chỉ diện tích làm hai vụ được mở rộng mà diện tích làm  ba vụ (hai vụ lúa một vụ màu) được ngày càng tăng. Các giống cây trồng mới có năng xuất cao được đưa vào sản xuất, vì thế năng suất ngày càng tăng. Năm 2000 lúa đạt 140kg/sào, đến năm 2015 là 320kg/sào.

Đầm, ao, bãi: Xuân Lộc ở ven của Lạch Trường,  có diên tích ao, đầm lớn, thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy hải sản nước lợ. Những năm bảy mươi của thế kỷ XX, một đoàn cán bộ nghiên cứu của Cộng hòa dân chủ Đức (nay là Cộng hòa Liên bang Đức) về Xuân Lộc nghiên cứu râu câu và kết luận: Rau câu ở Xuân Lộc là một trong những loại rau câu quý trên thế giới, giàu chất dinh dưỡng và chất vi lượng, rất tốt cho việc chế biến thực phẩm và dược liệu.

Xuân Lộc nổi tiếng có cá đối đánh bắt ở đầm, bãi, ven sông Lạch Trường. Từ xưa người dân Hậu Lộc đã rất thích cá đối nước lợ Xuân Lộc, người ta gọi là “Cá đối hai nước” (nước ngọt pha trộn với nước mặm). Cá đối ở Xuân Lộc con to, bụng có mỡ, trứng, kho lên mỡ nổi váng, xương mền, không cứng như cá đối biển, ăn vừa béo vừa thơm. Cua, tôm cũng là những đặc sản của Xuân Lộc, được người dân Hậu Lộc rất ưa chuộng.     

Về giao thông, Xuân Lộc ở ven bờ sông Lạch Trường, bên cạnh Thị trấn Hậu Lộc, có nhiều con đường liên xã (đường Huyện) đi qua, như đường số 7 từ cảng cá Hòa Lộc lên Thị trấn Huyện, nối với quốc lộ IA. Đường dọc sông Nước Xanh nối đê sông Lạch Trường đoạn cống Nguyễn với Thị Trấn Huyện. Đường từ thôn Xuân Phú đi đến nhà máy may IVORY Hàn Quốc lên thị trấn Huyện. Đường đê dọc sông Lạch Trường lên cầu Sài (Thuần Lộc), nối với quốc lộ 10. Năm 2016 Nhà nước đã đổ bê tông mặt đê sông Lạch Trường. Đường thủy có sông Lạch Trường. Như vậy từ Xuân Lộc có thể đi đến mọi miền của đất nước bằng đường bộ và đường thủy, và ra nước ngoài, để giao thương phát triển kinh tế, VHXH, giữ vững quốc phòng, an ninh.

Tiềm năng về con người: Nhân dân Xuân Lộc có truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, có chí khí, chí tiến thủ, yêu quê hương đất nước, đấu tranh anh dũng chống ngoại xâm. Xuân Lộc cũng là một trong những xã có nhiều cán bộ làm lãnh đạo, quản lý ở cấp Huyện, Tỉnh, Trưng ương, các ngành, các sĩ quan trung cao cấp trong Quân đội, Công an. (xem phần “Phụ lục” ở cuối sách)

Chưa biết cụ thể con người có mặt ở Xuân Lộc từ thời kỳ nào nhưng, có thể nói rằng, ở từng thôn làng sự có mặt của con người là khác nhau. Những thôn xóm ở các bãi, cồn cao ven sông Lạch Trường con người có thể có sớm hơn ở những thôn xóm đồng chiêm trũng. Nhưng dù có trước hay có sau, khi con người về đây lập nghiệp, thì cũng phải đối mặt với đồng chua nước mặn, cỏ dại, năn lác, hiểm họa của thú dữ, của thiên tai như bão, lũ vv... Qua bao đời khai phá, lao động, cải tạo, người dân Xuân Lộc đã kiến tạo nên những cánh đồng tươi tốt, những xóm làng trù phú như ngày nay. Đó  là cả một một sự tích thần kỳ. Qua đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt, con người Xuân Lộc được rèn luyện, hun đúc nên ý chí, tính cách, bản lĩnh và sáng tạo. Người Xuân Lộc đã làm nên một truyền thống, làm rạng danh quê hương.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ XUÂN LỘC, HUYỆN HẬU LỘC

Chịu trách nhiệm: Bùi Ngọc Thanh - CT. UBND xã Xuân Lộc

Địa chỉ: thôn Xuân Phú, xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa

Số điện thoại: 0237 8865342

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa