Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 1

    Hôm nay: 65

    Đã truy cập: 747357

BÀI TUYÊN TRUYỀN LUẬT AN TOÀN THỰC PHẨM

Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 của Quốc hội  đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII thông qua vào ngày 17 tháng 6 năm 2010, tại kỳ họp thứ 7. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2011, gồm 11 Chương với 72 Điều luật.

       An toàn thực phẩm là một trong những vấn đề mà Đảng, Nhà nước Việt Nam từ lâu đã đặc biệt quan tâm và coi đây là một vấn đề có ý nghĩa lớn về kinh tế - xã hội, về an toàn xã hội, sức khoẻ cộng động, về bảo vệ môi trường và cũng là vấn đề có ảnh hưởng lớn đến tiến trình hội nhập của Việt Nam. Do vậy, Đảng và Nhà nước ta thường xuyên chỉ đạo và đưa ra các giải pháp nhằm không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Do đó ngày 17 tháng 6 năm 2010, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII đã thông qua Luật An toàn thực phẩm. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2011.

       Luật An toàn thực phẩm có 11 chương với 72 điều, gồm các nội dung cơ bản sau:

       Chương I: Những quy định chung gồm 6 điều (từ Điều 1 đến Điều 6) quy định về phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm; chính sách của Nhà nước về an toàn thực phẩm; những hành vi bị cấm; xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Như vậy, phạm vi điều chỉnh của Luật tập trung vào việc giải quyết những vấn đề liên quan nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm đối với những sản phẩm đã là thực phẩm chứ không điều chỉnh đối với quá trình sản xuất nông, lâm sản, giống cây trồng, giống vật nuôi.

       Chương II: Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong bảo đảm An toàn thực phẩm gồm 3 điều (từ Điều 7 đến Điều 9). Chương này quy định về quyền và nghĩa vụ đối với an toàn thực phẩm của 3 nhóm đối tượng chính, đó là: tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm; tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng thực phẩm.

       Chương III: Điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm gồm 9 điều (từ Điều 10 đến Điều 18): Đây là một chương hoàn toàn mới so với Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2003. Để quản lý đối với sản phẩm, dù là sản phẩm ở dạng nào cũng phải bảo đảm các điều kiện chung nhất. Chính vì vậy, để tránh quy định trùng lắp trong Luật, Điều 10 đã đưa ra một số điều kiện mà sản phẩm phải đáp ứng nhằm bảo đảm an toàn cho sản phẩm. Ngoài các điều kiện chung ở Điều 10, đối với các nhóm thực phẩm cụ thể, đặc thù như: thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến; thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; thực phẩm chức năng; thực phẩm biến đổi gen; thực phẩm đã qua chiếu xạ; phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến; bao gói, chứa đựng thực phẩm cần phải bảo đảm thêm một số điều kiện riêng khác nữa.

       Chương IV: Điều kiện bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm gồm 15 điều (từ Điều 19 đến Điều 33). Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng có những điều kiện chung, ngoài ra còn có thêm những điều kiện riêng đối với từng sản phẩm và từng quá trình như: sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống, điều kiện trong sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến, điều kiện trong kinh doanh dịch vụ ăn uống. Bên cạnh đó, do thức ăn đường phố là một loại hình kinh doanh đặc biệt và hiện là đối tượng gây ngộ độc thực phẩm cao nhất, chính vì vậy Chương IV đưa ra một mục riêng quy định về điều kiện bảo đảm an toàn trong kinh doanh thức ăn đường phố. Một điểm khác biệt của Chương này so với Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2003 trước đây là quy định riêng đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ và giao Bộ chuyên ngành quy định điều kiện cho từng loại hình cho phù hợp và khả thi.

       Chương V: Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm gồm 4 điều (từ Điều 34 đến Điều 37) bao gồm các quy định về đối tượng, điều kiện, thủ tục, hồ sơ, trình tự, thẩm quyền và thời hạn Cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm. Thời hạn của Giấy chứng nhận là 03 năm. Đây là điểm mới so với Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2003 thì giấy này không có thời hạn.

       Chương VI. Xuất khẩu và Nhập khẩu thực phẩm gồm 5 điều (từ Điều 38 đến Điều 42). Để kiểm soát chặt chẽ đối với thực phẩm nhập khẩu, bao gồm cả phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến và bao bì, vật liệu chứa đựng thực phẩm, Chương này đưa ra các điều kiện đối với các đối tượng này, đặc biệt là đối với thực phẩm lần đầu nhập khẩu vào Việt Nam mà Việt Nam hiện chưa có quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Đối với thực phẩm xuất khẩu, mặc dù đã có rào cản chặt chẽ từ nước nhập khẩu, nhưng để bảo đảm giữ gìn uy tín cho quốc gia trên thị trường các nước, Luật vẫn đưa ra các quy định về điều kiện an toàn đối với thực phẩm xuất khẩu cũng như những yêu cầu trong trường hợp có yêu cầu từ phía nước nhập khẩu.  

       Chương VII: Quảng cáo và Ghi nhãn thực phẩm gồm 2 điều (Điều 43 và Điều 44). Về cơ bản, việc quảng cáo và ghi nhãn thực phẩm phải tuân thủ pháp luật về quảng cáo, ghi nhãn thực phẩm. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của sản phẩm, hàng hóa là thực phẩm, Luật đưa ra các quy định về nội dung quảng cáo thực phẩm, đồng thời phải thông báo nội dung quảng cáo trước khi được quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế kiểm tra và xác nhận. Ngoài ra, Chương này còn quy định cả trách nhiệm của người phát hành quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo. Về ghi nhãn thực phẩm, quy định các yêu cầu đối với việc ghi nhãn thực phẩm nói chung và quy định riêng đối với các loại thực phẩm đặc biệt như thực phẩm biến đổi gen, thực phẩm chức năng, thực phẩm đã qua chiếu xạ.

       Chương VIII: Kiểm nghiệm thực phẩm, phân tích nguy cơ đối với An toàn thực phẩm, phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về An toàn thực phẩm gồm 11 điều (từ Điều 45 đến Điều 55) và chia thành 4 mục. Trước yêu cầu từ thực tiễn công tác kiểm nghiệm và sự khác biệt giữa từ ngữ kiểm nghiệm được sử dụng trong Luật An toàn thực phẩm và các thuật ngữ được sử dụng trong Luật Chất lượng, sản phẩm hàng hóa, Chương này đưa các quy định về yêu cầu đối với cơ sở kiểm nghiệm, kiểm nghiệm phục vụ giải quyết tranh chấp về An toàn thực phẩm và chi phí lấy mẫu và kiểm nghiệm thực phẩm. Theo tinh thần của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, chỉ những cơ sở kiểm nghiệm được chỉ định mới được tham gia kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước. Về phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm, đây là nội dung hoàn toàn mới so với Pháp lệnh năm 2003. Để quản lý tốt về an toàn thực phẩm trong thời kỳ mới và đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế, cần phải tiến hành các hoạt động phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm bao gồm: đánh giá nguy cơ, quản lý nguy cơ và truyền thông về nguy cơ. Với khái niệm sự cố về an toàn thực phẩm đã được nêu tại Điều 2 về giải thích từ ngữ, Chương này đưa ra các quy định về các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện việc phòng ngừa, ngăn chặn sự cố về an toàn thực phẩm. Truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn là những hoạt động mà tất các các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện khi có yêu cầu và khi tự phát hiện sự cố. Chương này quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không an toàn.

       Chương IX. Thông tin, giáo dục truyền thông về An toàn thực phẩm gồm 5 điều (từ Điều 56 đến Điều 60) quy định về mục đích, yêu cầu, nội dung, đối tượng tiếp cận, hình thức và trách nhiệm trong thông tin giáo dục truyền thông về An toàn thực phẩm. Công tác truyền thông có vai trò quan trọng đối với việc bảo đảm an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức của người dân để dẫn đến việc thay đổi hành vi. Chính vì vậy Luật  đã quy định: Thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm, thay đổi hành vi, phong tục, tập quán sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt, ăn uống lạc hậu, gây mất an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ tính mạng, sức khỏe của con người; đạo đức kinh doanh, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh với sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Việc cung cấp thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm phải bảo đảm các yêu cầu sau đây: chính xác, kịp thời, rõ ràng, đơn giản, thiết thực; phù hợp với truyền thống, văn hoá, bản sắc dân tộc, tôn giáo, đạo đức xã hội, tín ngưỡng và phong tục tập quán; phù hợp với từng loại đối tượng được tuyên truyền.

       Chương X: Quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm gồm 10 điều (từ Điều 61 đến Điều 70) được chia thành 3 mục: Mục 1. Trách nhiệm quản lý nhà nước về An toàn thực phẩm;  Mục 2. Thanh tra An toàn thực phẩm; Mục 3. Kiểm tra An toàn thực phẩm. Luật đã phân công trách nhiệm quản lý nhà nước theo nguyên tắc từ A đến Z theo các nhóm thực phẩm/ngành hàng cho 3 Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công thương. Đồng thời quy định cụ thể hơn trách nhiệm quản lý nhà nước về An toàn thực phẩm cho Uỷ ban nhân dân các cấp. Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Bộ Y tế có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm khi cần thiết.

       Chương XI. Điều khoản thi hành gồm 2 điều (Điều 71 và Điều 72) quy định hiệu lực thi hành và hướng dẫn thi hành Luật.

       Luật An toàn thực phẩm là một sự kiện quan trọng thể hiện được quan điểm của Đảng và Nhà nước ta, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác bảo đảm An toàn thực phẩm trong giai đoạn tới, góp phần tích cực vào việc thực hiện thành công sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Và để triển khai luật đi vào cuộc sống, Chính phủ đã ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, bao gồm:

       Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;

       Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm;

       Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28/01/2016 quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm;

       Thông tư số 15/2012/TT-BYT ngày 12/9/2012 quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm;

       Thông tư số 16/2012/TT-BYT ngày 22/10/2012 quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y Tế;

       Thông tư số 30/2012/TT-BYT ngày 5/12/2012 quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố;

       Thông tư liên tịch số 20/2013/TTLT-BYT-BCT-BNNPTNT ngày 1/8/2013 quy định điều kiện, trình tự thủ tục chỉ định cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý Nhà nước;

       Thông tư số 28/2013/TT-BCT ngày 6/11/2013 quy định kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương; vàThông tư số 17/2016/TT-BYT ngày 30/6/2016 quy định việc thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y Tế./.

       Nguồn viết bài: Sưu tầm

       Người sưu tầm: Đinh Xuân Hùng- Công chức Tư pháp

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ XUÂN LỘC, HUYỆN HẬU LỘC

Chịu trách nhiệm: Bùi Ngọc Thanh - CT. UBND xã Xuân Lộc

Địa chỉ: thôn Xuân Phú, xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa

Số điện thoại: 0237 8865342

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa